Yếu thế khi giảm thuế

  • Tháng Mười 12, 2014

Theo lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ ngày 1-1-2015, sẽ có thêm trên 1.700 dòng thuế của Việt Nam được cắt giảm xuống thuế suất 0%, và 687 dòng thuế thuộc những mặt hàng nhạy cảm sẽ xuống 0% vào năm 2018. Cuộc cạnh tranh trên thị trường sẽ ngày càng gay gắt hơn.

bao bì

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhanh nhạy hơn trong việc đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm. Trong ảnh: Sản xuất nồi tại Công ty Happy Cook (Khu công nghiệp Biên Hòa 2).

Gần 8 tháng nữa, hàng loạt mặt hàng sẽ không còn thuế bảo hộ, hàng hóa của các nước nội khối ASEAN sẽ thông thương hơn. Đây là thách thức không nhỏ với nhiều ngành sản xuất trong nước.

* Áp lực lấn sân

Gần đây, trên các kệ hàng trong siêu thị hoặc cửa hàng bách hóa lớn, các sản phẩm tiêu dùng có xuất xứ từ các nước: Thái Lan, Indonesia, Malaysia… có mặt nhiều hơn. Anh Nguyễn Văn Lương, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH thương mại Hoàng Thụy Nguyên (quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh), DN chuyên nhập khẩu phân phối các mặt hàng thực phẩm và đồ gia dụng, cho biết từ năm 2011 đến nay lượng hàng nhập khẩu từ một số nước ASEAN của DN tăng mạnh. Cụ thể, doanh số hàng nhập khẩu năm 2013 của công ty ngày càng tăng gần gấp đôi so với năm 2011. Các sản phẩm của DN Hoàng Thụy Nguyên nhập khẩu và phân phối là khăn giấy (Indonesia), bánh xốp, công tắc và ổ cắm điện (Malaysia), bột giặt, dầu gội đầu, gối tựa lưng (Thái Lan). Theo anh Lương, sản phẩm tiêu dùng của các nước này khá sắc nét và giá cũng vừa phải, không cao hơn quá nhiều so với hàng trong nước.

Trong lĩnh vực sản xuất bao bì cho ngành công nghiệp, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty hàng công nghiệp Việt Thanh (phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Tại những nước, như: ngành công nghiệp bao bì của Thái Lan, Malaysia, đầu tư rất hiện đại, sản phẩm của các nước này chưa thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam do còn vướng thuế nhập khẩu”. Theo đánh giá của ông Bình, hiện nay các DN sản xuất bao bì trong nước phục vụ cho ngành công nghiệp khá tốt, nhưng khi thuế suất về 0% sẽ phải cạnh tranh khá vất vả. Mỗi năm, Việt Thanh cung cấp cho thị trường 350 tấn bao bì công nghiệp (dây đai, túi nilon, màng bao và băng keo).

* Mù mờ thông tin

Ông Bình cho hay, đến nay ông cũng chỉ nghe thông tin là năm tới sẽ có nhiều mặt hàng không còn chịu thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN, còn cụ thể là những hàng gì thì không rõ.

Tương tự, ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thế Linh (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa), chuyên sản xuất gối, nệm khá lớn cũng cho biết, nhiều DN rất mù mờ về ATIGA.

Theo Bộ Tài chính, thực hiện cam kết ATIGA, dự kiến từ ngày 1-1-2015 sẽ có thêm 1.720 dòng thuế của Việt Nam được cắt giảm xuống thuế suất 0%. Số còn lại gồm 687 dòng thuế, chủ yếu là những mặt hàng nhạy cảm trong thương mại giữa Việt Nam và ASEAN, sẽ xuống 0% vào năm 2018, gồm: ô tô, xe máy; phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy; dầu thực vật; hoa quả nhiệt đới; đồ điện dân dụng, như: tủ lạnh, máy điều hòa; sữa, các sản phẩm sữa, bánh kẹo; thức ăn chăn nuôi… Riêng một số sản phẩm nông sản nhạy cảm của Việt Nam như mía đường vẫn được áp mức thuế 5%.

Rất ít DN nắm rõ thông tin này, dù khi hàng rào thuế quan của nội khối ASEAN dỡ bỏ DN sản xuất trong nước gặp ngay thách thức. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, chứng minh năm 2013 nhập siêu của Việt Nam từ khối ASEAN đạt gần 3 tỷ USD, trong khi đó xuất khẩu vào khối này đang chùng lại. Điều đó cho thấy, việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan thời gian qua, phần lớn DN trong nước không tận dụng được ưu đãi này. “Sang năm 2015, với 1.720 dòng thuế giảm xuống 0% sẽ là cơ hội cho hàng ngoại vào Việt Nam, trong khi đó khả năng xâm nhập vào thị trường ngoại của DN trong nước là rất yếu” – ông Tuấn nhận xét.

Anh Lương Quang Diệu, Phó giám đốc phụ trách xuất nhập khẩu Công ty TNHH Luật Việt Á (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) cho biết, ở một số nước, như: Thái Lan, Indonesia khi áp dụng Hiệp định ATIGA ngay lập tức các hàng rào kỹ thuật được dựng lên như những quy định về an toàn thực phẩm, môi trường… Đây cũng là phương án bảo hộ hàng nội địa được đánh giá là khả thi nhất hiện nay.